Trong quá trình sản xuất, vì nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số sản phẩm bị hư hỏng đã được các thế hệ thợ làm gốm Phước Tích đổ ra đây, tạo nên một cồn lớn (diện tích 730 m2) gọi là cồn Trèng (hay cồn Trèn).
Hiện tại khu vực cồn Trèng bị cây dại bao phủ, mảnh gốm lẫn lộn với đất, có chỗ cao đến 1m so với mặt đất. Theo người dân trong làng cho biết đất, mảnh gốm ở đây đã bị nhiều người dân trong làng xúc về để san mặt bằng của khuôn viên gia đình, đặc biệt là khi làm đường giao thông trong làng, chính quyền địa phương đã lấy những phế tích gốm ở đây để nâng cốt đường.
Tại di tích này, qua khảo sát, càng đào sâu xuống càng bắt gặp những hiện vật cũ, việc phục hồi những mảnh gốm vỡ xưa đã giúp chúng ta hình dung những biến đổi về mặt loại hình, chất liệu, độ nung hoa văn của từng thời kỳ. Quan sát từng mảnh vỡ, có thể khẳng định rằng: Theo thời gian và theo nhu cầu xã hội, người thợ gốm Phước Tích đã không dừng công việc của mình theo thói quen và lối mòn sản xuất mà đã có nhiều cải tiến nâng cao nhằm đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
Di tích cồn Trèng và các địa điểm phế tích gốm khác ở làng Phước Tích là minh chứng quan trọng cho sự phát triển hưng thịnh của nghề gốm Phước Tích trong quá khứ.