Miếu Đôi cũ

  • Tiếng Việt

Miếu Đôi được xây dựng tại xóm Hạ Hòa (xóm Cầu) mặt nhìn ra sông Ô Lâu, gồm hai ngôi miếu thờ ngài khai canh và ngài đào nghệ, nằm song song với nhau trên một khoảng đất rộng chừng 80m2, cách chùa Phước Bửu 100m về phía tây. Qua khảo sát thực tế tại di tích cho thấy: Miếu được xây bằng gạch vồ theo kiểu kiến trúc cổ, cửa vòm, ở trên kết cấu cổ lầu, trang trí các loại hoa văn đơn giản, phía trước cửa miếu còn lại dấu tích của một số câu đối xưa bằng chữ hán, được ghép sành sứ, nội dung ca ngợi công đức của ngài khai canh và ngài bổn nghệ, những người có công khai phá lập làng và truyền nghề gốm ở Phước Tích. Đây là hai ngôi miếu cổ của người Chăm, đã được Việt hóa trong quá trình chung sống và hội nhập, giao lưu văn hóa của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất Thuận Hóa vào thế kỷ thứ XV, XVI. Các cụ cao niên trong làng cho biết: trước kia, đây là nơi thờ ngài khai canh và bổn nghệ của làng Phước Tích, song thời ấy ở đây cây cối còn rậm rạp, cư dân còn thưa thớt, các loại thú dữ thỉnh thoảng hay xuất hiện, việc chăm lo hương khói ít nhiều bị giới hạn, hàng năm cứ đến ngày kỵ ngài khai canh (ngày 5 tháng 11 âm lịch) thường xảy ra hỏa hoạn, nhất là khu vực xóm Hạ Hòa ở gần miếu. Do đó đến năm Tự Đức thứ hai (1849), dân làng thống nhất dời lên xây dựng tại một địa điểm mới ở gần phía đầu làng (giáp làng Mỹ Xuyên), kể từ đó hai ngôi miếu này để trống. Mặc dù ngôi Miếu Đôi không còn được sử dụng nhưng vẫn là một chứng tích quan trọng, giúp ta hiểu hơn về kiến trúc loại hình am, miếu thờ thần ở làng quê xứ Huế.

Loại hình

  • Di tích phụ cận

Viết đánh giá

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Phước Tích cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

langcophuoctich2013@gmail.com
862632202
Xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

IZOMI