Những bữa cơm nhà được chế biến từ “sản phẩm vườn”

Những bữa cơm nhà được chế biến từ “sản phẩm vườn”

Các ngôi nhà ở Phước Tích đều là nhà vườn nên nhà nào cũng có mảnh vườn để trồng rau, các loại cây ăn quả,củ, thân... Các loại rau thường trồng ở đây gồm có rau giền, sam, khoai, bồng ngọt (ngót), mồng tơi, ngò tây, tần, răm, tía tô..; Các loại cây ăn quả có đu đủ, chuối, vả, mít, bầu, bí, ớt...; Loại cây lấy củ thường gặp là sắn, khoai, sen, lạc... Ngoài ra, còn có các loại cây dại mọc khắp vườn như rau má, mã đề, rìu, trai, tàu bay, lá lốt, me đất...

Từ các loại rau, quả, củ của các cây này, người dân nơi đây đã chế biến thành những món ăn thường ngày, những món ăn mà quanh năm đều có. Từ các loại rau, có thể dùng để nấu canh, ăn sống, luộc. Ở Phước Tích có loại canh me đất(1) nấu với tép hồ, sông có mùi chua thanh, ăn kèm với rau sống rất ngon. Đặc biệt là món canh rau “tập tàng” nấu với tôm, cá sông Ô Lâu, hồ Hà Trì. Canh rau tập tàng là loại canh rau gồm nhiều loại rau hỗn hợp (rau má, mã đề, giền, mồng tơi, ngót, khoai lang...) mỗi thứ mỗi ít đem rửa sạch, chờ nồi nước tao với tôm, cá sôi, thả vào, chín tới là được. Ăn loại canh này trông có nhiều hương vị khác nhau của các loại rau, cái ngọt của loại tôm cá nước ngọt tự nhiên và tác dụng của các loại rau - thảo dược. 

Ở Phước Tích, có ba loại cây người ta chế biến nhiều món nhất là mít, chuối và vả.

- Từ trái mít (kể cả non hoặc già, chín) có thể chế biến hơn 10 món ăn khác nhau như: Canh mít (trái mít non, gọt vỏ, lấy phần xơ, múi mới hình thành thái mỏng nấu với tôm), mít luộc (cũng từ mít non, luộc chín, cắt từng miếng để chấm); thấu mít (mít non, luộc chín, thái nhỏ, trộn với gia vị khác như rau thơm, lạc, da heo, ớt, mè... rồi dùng bánh đa xúc ăn), mít kho cá khô (xơ mít chín bỏ vào kho với cá khô), mít làm các món chay (múi mít già hấp chấm nước tương, mít giã nhuyễn làm chả, mít phích bột...).

- Đối với cây chuối, người ta dùng cả hoa, trái và thân. Hoa chuối thái mỏng làm rau sống, trộn với mực khô, chả... làm món chua ngọt, luộc chín để chấm, nấu canh cá lóc... Trái chuối xanh (non) thái nhỏ chấm ruốc, ăn với rau sống, xào với ốc, nấu canh... Thân cây chuối, bóc các lớp vỏ ngoài, lấy phần lỏi non thái mỏng ăn sống hoặc ngâm muối làm dưa.

- Làng Phước Tích có rất nhiều cây vả(2), hầu như nhà nào cũng trồng 3 - 5 cây để ăn và bán trái. Từ trái vả già (chưa chín), người ta có thể chế biến nhiều món như món trộn (trái vả gọt vỏ, luộc chín, thái nhỏ, vắt khô, trộn với chả, tôm, thịt heo, lạc...), món ăn sống (gọt vỏ, cắt từng miếng để chấm ruốc hoặc thái mỏng trộn với rau sống), món hầm (cắt từng cục hầm với xương heo), món chua ngọt (gọt vỏ, cắt từng miếng, ngâm với dấm hoặc ngâm với nước đường), mắm vả (thái vừa, phơi khô, bỏ vào mắm).

Những bữa cơm nhà luôn là hương vị không thể thay thế được, dù có đi ăn bao nhiêu món ngon mỗi ngày ở tiệm hay nhà hàng vẫn khó kiếm được cái hương vị mộc mạc mà thân quen trong trái tim của mỗi người con Phước Tích.

(1) Me đất là một loại cây thân thảo, mọc hoang ở đất ẩm (thường mọc về mùa khô), mỗi thân chỉ có một lá hình tròn, cao khoảng 7 - 20cm. Người ta nhổ cả thân và lá để nấu canh. 

(2) Một loại cây thân mộc như  cây sung  (trái có vị chát) nhưng lá và trái to hơn. Trái vả có đường kính khoảng 4 - 6cm. 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Phước Tích cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

langcophuoctich2013@gmail.com
862632202
Xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

IZOMI