Trong một lần dừng chân nơi xứ Huế, những người bạn đất kinh xưa đã giới thiệu với chúng tôi món cơm gạo đồng nấu trong om đất, phỏng theo lối ẩm thực của cung đình Huế xưa.
Nét đặc trưng ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp. Ảnh: Trần Việt Anh
Ngày ấy, ngự thiện dành cho Vua phải là loại gạo lúa de dẻo thơm, cấy trên cánh đồng An Cựu và được nấu trong om đất của làng Phước Tích. Ngày nay, giống lúa de đặc sản này đã thất truyền, chỉ có làng Phước Tích, nơi sản xuất ra “om ngự” tiến vua thì vẫn còn đó bên dòng Ô Lâu hiền hòa xanh biếc... Chỉ vì tò mò về thói quen ẩm thực cầu kỳ mà dân dã của các bậc đế vương xưa, mà chúng tôi tìm đường về làng Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên cầu Ô Lâu, hỏi thăm bà cụ quang gánh rau tươi về làng Phước Tích, chỉ đường xong, bà tặng luôn một khúc ngâm giọng Huế: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”.
Dừng chân bên Miếu Đôi thờ hai vị thành hoàng Khai Canh và Bổn Nghệ, chúng tôi được nghe câu chuyện về sự tích lập làng. Vào thế kỷ 15, 12 dòng họ ở làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã theo chân Vua Lê Thánh Tông nam chinh, mở cõi. Khi đến cồn Dương, ven sông Ô Lâu ở vùng Hóa Châu, thấy chỗ đất vượng khí bèn hạ trại lập làng. Hơn năm thế kỷ trôi qua, làng vẫn mang tên gọi xưa: Phước Tích, với mong muốn phước đức được tích lũy cho muôn đời con cháu.
Đi loanh quanh trong làng, từ bất cứ hướng nào cũng đến được Hà Sen. Đó là cái đầm sen lớn nằm bên cạnh cồn Trèng (dân địa phương gọi là Hà Sen). Người Phước Tích ví Hà Sen như một cái hầu bao đựng bạc, còn cồn Trèng là cái kho tiền. Các thế hệ dân làng Phước Tích ai cũng tự hào về tài phong thủy chọn đất của tổ tiên mình. Địa hình nơi này mang đậm triết lý phong thủy phương Đông. Dòng sông Ô Lâu chảy từ phía đông vòng ngang phía nam rồi chảy sang phía tây, ôm trọn làng. Làng được xây dựng trên một phương vị hướng về chính nam, lấy sông Ô Lâu làm yếu tố minh đường. Theo thuật phong thủy, khí là cha, nước là mẹ, khí là bản thể của nước, nước là cái hữu hình của khí, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn càng dài xa là khí càng vượng, phúc lộc càng lớn. Vốn là quê hương của những người thợ gốm, nhưng từ mấy trăm năm qua Phước Tích luôn vượng đường khoa cử.
Đi vào những con đường quanh làng với vẻ đẹp bình yên và cổ kính. Khách phương xa lần đầu đến thăm, chợt cảm nhận như được bước vào thế giới khác, một thế giới của làng quê thanh bình, yên ả từ những thế kỷ trước. Phước Tích không có bất cứ dấu hiệu nào của “bê-tông hóa” và đó chính là điều tạo nên giá trị cổ kính của ngôi làng. Trong tổng số 117 nóc nhà của làng, hiện còn tới 27 ngôi nhà cổ, nhiều nhà có tuổi thọ đến hàng trăm năm.
Không gian làng cổ đượm một màu rất lạ. Dòng sông Ô Lâu hiền hòa và xanh ngắt quanh năm, bao bọc lấy ngôi làng khiến nơi đây như một hòn đảo nhỏ. Không khí ở đây vô cùng lý tưởng. Nhờ được sông nước bao quanh cộng với các đường làng, ngõ xóm rợp bóng cây, nên ở đây rất thoáng mát, dù tháng 7 này là tháng của gió phơn tây nam hoành hành nhưng không khí trong làng vẫn vô cùng dịu mát. Có lẽ cũng bởi điều kiện sống này mà dân làng Phước Tích có tuổi thọ rất cao. Trong số hơn ba trăm nhân khẩu của làng thì có khoảng một trăm người ở độ từ 70 đến hơn 100 tuổi.
Từ trên cao nhìn xuống, làng như bầu rượu, với túi thơ. Dòng sông Ô Lâu, đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất của nó dài 7 km ôm trọn làng Phước Tích vào lòng. Chính yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” này đã làm cho làng Phước Tích độc đáo hơn các ngôi làng khác. Đó là nơi trời đất, cỏ cây và con người hòa quyện với nhau. Phước Tích là làng cổ thứ hai, sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2009. Đây là một trong hai ngôi làng cổ xưa còn giữ được những nét điển hình đặc trưng nhất của nông thôn Việt. Thì ra, trong lúc đi tìm dấu vết về những chiếc om đất cơm vua, tôi đã may mắn biết thêm về một kho báu văn hóa cổ truyền của quê hương, đất nước, nằm an nhiên suốt bao thế kỷ dưới lũy tre làng, bên dòng sông quê yên ả.
Nguồn: Báo Nhân dân
0 bình luận