Cả làng có 117 hộ, 327 khẩu thì có khoảng 100 người ở độ tuổi 70 - 103, Phước Tích được mệnh danh là làng trường thọ của vùng đất cố đô.
Cụ Lương Thanh Thị Hén dù đã gần trăm tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh
Ảnh: Tuyết Khoa
Làng cổ, nhà cổ và... người cổ
Nếu ai đã có dịp ghé thăm ngôi làng cổ này, ắt sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp yên bình cổ kính nơi đây. Ngôi làng được hình thành vào thế kỷ 15, là ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam được Bộ VH - TT - DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Phước Tích nằm e ấp bên dòng Ô Lâu trong xanh. Đường làng ngõ xóm rợp bóng cây xanh. Từng tán cây to che lấp cả bầu trời. Không khí mát mẻ, trong lành và dễ chịu.
Nhưng điều người ta dễ dàng nhận thấy là làng rất vắng bóng người. Thỉnh thoảng mới có người qua lại. Toàn làng có khoảng 120 nóc nhà thì có 27 ngôi nhà rường trên 100 năm tuổi, cùng 12 nhà thờ họ cùng các đền miếu cổ còn nguyên vẹn. Tất cả đều nhuốm màu thời gian với những cột gỗ đen bóng. Kèo, xuyên, hoành phi, bản khoa, cửa đố... được chạm trổ tinh xảo. Những ngôi nhà rường được bao bọc bởi những hàng rào hở bằng cây chè tàu. Chủ nhân những ngôi nhà ấy hầu hết là những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc hiền lành. Mọi thứ thật tĩnh lặng và yên bình.
Ngay sau lưng lò gốm của làng là nhà cụ Lương Thanh Thị Hén, dù đã gần trăm tuổi nhưng ngày ngày cụ vẫn cầm chổi quét từ nhà ra cổng, rồi từ cổng vào nhà như một thói quen. Dưới gốc nhãn già, cụ Hén móm mém, niềm nở trò chuyện với những ai ghé thăm. Cụ nói: “Năm nay tui 100 rồi đó. Cây nhãn già ni còn thua cả tuổi tui. Ngày mô nó cũng rụng lá rụng cành nên tui phải quét dọn sạch sẽ rồi kiếm vài lẻ củi khô cũng đủ để nấu nồi cơm ngon lành…”. Dù bước chân không còn nhanh nhẹn, lưng cũng đã còng, nhưng ở cái tuổi như cụ mà còn minh mẫn như vậy quả thật không nhiều. Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cổ, cụ bưng khay cau trầu mời khách. Chiếc bình vôi là sản phẩm của làng gốm Phước Tích cũng gần trăm tuổi như cụ… “Ở làng tui, tuổi như tui không hiếm mô. Cô chú đừng ngạc nhiên. Tui còn trẻ hơn nhiều người lắm”, cụ Hén vừa nhai trầu vừa hiền lành nói.
Vui, khỏe, có ích
Nhà cụ Tự và cụ Lê ở ngay đầu làng. Ngôi nhà cây cỏ xanh mát. Cụ Tự có bộ râu dài ngang ngực trông như ông bụt trong trí tưởng tượng của trẻ thơ. Ngồi trên chiếc phản, cụ nói chuyện làng chuyện nước một cách rành mạch và minh mẫn. Cụ cho biết, cụ có bảy người con, con đầu sinh năm 1952. Hiện tại, gia đình cụ đã có 4 thế hệ với 30 con cháu. Khi được hỏi về bí quyết sống khỏe, cụ chỉ cười và nói: “Thì cứ sống vui khỏe là nó khỏe à, chứ bí quyết chi mô…”.
Minh mẫn, khỏe mạnh nên cụ Tự vẫn làm hội chủ của làng cổ nhiều năm nay. Việc cúng bái, tục lệ của làng, cụ vẫn nói vanh vách để người trẻ làm theo. Cụ Trương Thị Thú, một người trong làng cho biết: “Sáng sáng chiều chiều, ông Tự vẫn đi khắp xóm khắp làng. Ông còn khỏe re à. Đi lại chân tay mới cứng cáp được. Rồi gặp bà con xóm giềng nói chuyện làng nước càng vui...”.
Cụ Thú năm nay cũng đã ngoài 85 tuổi. Cụ sống một mình trong ngôi nhà cổ trăm tuổi. Khách du lịch ghé nhà cụ thường xuyên bởi sự vui vẻ, niềm nở của cụ. “Tui lấy chồng năm 17 tuổi, con cái bây giờ ở xa cả, chỉ có người con gái là ở gần nhà. Con cái cứ bắt cụ đến nhà nó ở để nó chăm nhưng tui không chịu. Ở nhà để còn hương khói, quét dọn nhà cửa. Đây là nhà cửa, đất đai tổ tiên không thể để lạnh lẽo được. Mà khách du lịch vô ra thường xuyên có gì mà buồn. Khi nào vắng thì sang nhà hàng xóm bửa cau hái trầu nhai và nói chuyện”, cụ nói.
Cụ Thú kể, mấy lần lên thành phố chơi mà thấy bức bối quá. Ở quê được cái mát mẻ trong lành. Cây cối còn nhiều hơn nhà. Cây trái cũng có trong vườn, nào vả, mít, thơm, cà... Cá có dưới sông. Tất cả đều tươi ngon, sạch sẽ.
Nhiều người chưa đến Phước Tích đã rất tò mò tại sao ngôi làng nhỏ bé này lại có nhiều người sống thọ đến thế. Nhưng khi đến đây nhìn cảnh vật, không khí, cuộc sống vui vẻ nơi đây thì đã phần nào giải đáp được thắc mắc ấy.
Hiện nay, làng có nhiều câu lạc bộ. Trong đó có câu lạc bộ dưỡng sinh với sự tham gia không chỉ các cụ ông, cụ bà mà còn có nhiều người trung niên. Có lẽ sống vui, khỏe, lạc quan cùng với thường xuyên rèn luyện sức khỏe chính là bí quyết khiến Phước Tích trở thành làng trường thọ được nhiều người biết đến...
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Tích, cho biết, cả làng có 117 hộ, 327 khẩu thì có khoảng 100 người độ tuổi 70 - 103. Trong đó có 40 người từ 80 tuổi trở lên. Trong thôn có cụ Nguyễn Duy Thị Diệp là già nhất với 103 tuổi. Người con út của cụ đã ở tuổi 63. Cặp vợ chồng già nhất là cụ Nguyễn Bá Tự, 93 tuổi và cụ Hồ Thị Lê, 91 tuổi.
Nguồn: Báo Thanh niên
0 bình luận