THỪA THIÊN HUẾ - Ngày 19.3, Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và UBND huyện Phong Điền tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững".
Làng cổ Phước Tích là nơi ghi dấu quá trình Nam tiến - di dân lập làng của người Việt ở miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Tuy không phải là ngôi làng hình thành sớm ở vùng đất miền Trung nhưng làng Phước Tích hiện lưu giữ khối lượng di sản văn hoá đồ sộ có giá trị văn hoá đặc thù cả về vật thể lẫn phi vật thể.
Du khách trải nghiệm nghề làm gốm ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Quảng An.
Làng được xếp hạng là di sản văn hoá lịch sử quốc gia; lưu giữ khá nguyên vẹn những giá trị văn hoá truyền thống như đền miếu, nhà rường cổ, đình chùa, đặc biệt là nghề thủ công truyền thống làm gốm.
Nhiều chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến nhằm xây dựng định hướng phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh những thuận lợi, có không ít khó khăn mà nghề gốm Phước Tích đang phải đối diện như thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, kinh phí đầu tư và vấn đề con người.
TS Nguyễn Thăng Long - Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ một số giải pháp nhằm phục hồi và phát huy giá trị nghề gốm Phước Tích.
Đó là phối hợp các địa phương để luân phiên tổ chức “Ngày hội gốm” nhằm trao đổi văn hoá và quảng bá sản phẩm địa phương. Các cơ sở đào tạo mỹ thuật trên địa bàn tỉnh có thể tham gia thiết kế mẫu cho sản phẩm gốm Phước Tích.
Sản phẩm gốm ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Quảng An.
Các cơ sở làm gốm cần chú trọng ứng dụng sản xuất các mẫu mã hiện đại, có tính mỹ thuật, cải tiến công nghệ… nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường.
Phục hồi nghề gốm Phước Tích không chỉ đóng góp nguồn sinh kế cho người dân địa phương mà còn được xác định là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại làng cổ Phước Tích phát triển chậm, số lượng khách tăng khá ít theo năm, khách lưu trú và mức chi tiêu của khách còn thấp.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ một số giải pháp để phát triển du lịch làng cổ Phước thời gian tới như kêu gọi nguồn đầu tư, xã hội hoá mở rộng dịch vụ du lịch và nâng cấp hạ tầng tại làng; kết nối các tour du lịch làng cổ Phước Tích đến với các làng nghề truyền thống lân cận; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đồng thời hình thành thương hiệu riêng cho du lịch Phước Tích chú trọng quảng diễn nghề gốm…
Còn Giám đốc Ban Quản lý Di tích trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích Đoàn Quyết Thắng chia sẻ, các sản phẩm gốm Phước Tích cần được thiết kế nhỏ gọn, phù hợp nhu cầu vận chuyển của du khách đồng thời giữ nguyên giá trị truyền thống làng nghề. Dịch vụ trình diễn cũng cần điều chỉnh để có chương trình phù hợp văn hoá địa phương. Cần tăng cường tổ chức các chương trình trải nghiệm nghề gốm cho khách tham quan làm vật lưu niệm tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc cho làng cổ.
Nguồn: Báo Lao động
0 bình luận